Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Hải Phòng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Hải Phòng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

món ăn ngon Hải Phòng


Hải Phòng là mảnh đất ăn chơi, dân Hải Phòng không ngại mua sắm và chi tiêu. Nói đến du lịch Hải Phòng thì phải nói tới đảo Cát Bà và bãi biển Đồ Sơn. Còn về mặt Món ngon và Ẩm Thực Hải Phòng thì bạn không thể không nhắc tới : Bánh mì Cay (bánh mì Hải Phòng), các loại Ốc, Bánh đa cua, Nem Cua Bể, Sủi dìn, Cơm cháy hải sản, Lẩu Cua Đồng, Miến trộn, Hải Sản.

Quán ngon Món ngon Hải Phòng

Bánh đa cua: tới Hải Phòng thì bạn nên tìm ăn món này đầu tiên. Thường là ăn sáng hoặc ăn trưa. Địa chỉ ăn Bánh Đa Cua thì bạn phải tới : Bánh Đa Cua Bể 195 Cầu Đất ( 7h Sáng ). Quán Bà Cụ cũng trên đường Cầu đất, bán đến chiều, ăn tạm được. Bánh Đa Cua Đồng : Buổi chiều thì ăn ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray, buổi sáng thì có quán rất ngon ở lối đi vào Hồ đào cạnh đài liệt sĩ.

Các loại Bánh Đa khác (Hải Phòng thiên đường Bánh Đa)

  • Bánh Đa Sườn & Gà & Chả : 126 Cát Dài ( 5h Chiều )
  • Bánh Đa Ngan : Đầu ngã 5 sân bay Cát Bi ( 7h Sáng )
  • Bánh Đa Gà : Ngõ 17 Cột Đèn bán sáng và 2h chiều , 89 Lê Lợi ( 5h Chiều )
  • Bánh Đa Thịt Xào : 94 Cát Dài ( 7h Tối )

Bánh mì cay

Quán Hồng Quân đường Cát Cụt hoặc Khánh Nạp chỗ Chợ Con. Quán 181 Hàng Kênh, bán từ 4h chiều.
Bánh mì cay & chè Thái trên Đinh Tiên Hoàng. Nhưng ra Lê Lợi cũng được. Còn bánh mì pa tê thì phải ra ngã tư Cột Đèn hoặc ngõ Thuận Thái mua. Không ăn thì phí cuộc đời.
Ngoài ra Bánh Mì Cay còn có Trên đường Minh Khai, không nhớ rõ địa chỉ, nhưng bạn tới đó hỏi chắc ai cũng biêt. Bạn có thể ăn kèm hai món này với nhau cũng khá thú vị.

Bún chả các loại

  • Bún chả quạt 46 Trần Quang Khải
  • Bún chả quạt, nem cua bể Phương Mai 87 Cát Cụt.
  • Bún chả quạt, nem cua bể: Nga 92 Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo).
  • Bún mắm tôm thịt luộc, đậu rán, chả mực: 35 Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo)
  • Bún chả quạt: 157 ngõ chợ Cột Đèn. Đi thẳng vào chợ, đi hết chợ gặp ngã 3 đầu tiên thì rẽ trái, chạy hết đường là thấy.
Chả mực: 27 Trần Quang Khải, 60 Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo).
Bánh trưng, bánh giò, giò chả: 27 Trần Quang Khải, 73 Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo).

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội giá rẻ

Lẩu Dê

Lẩu dê Nhất Ly : Ở Tô Hiệu gần ngã tư An Dương, ngoài ra có thêm điểm ở đường Nguyễn Văn Linh.(quán này làm sạch sẽ hơn Phượng Chi).
Lẩu dê Phượng Chi : Đường Lê Hồng Phong.

Ốc các loại

Ốc 96 đường An Đồng. Hơi xa trung tâm một ít nhưng đáng tiền xăng. Ở đây các bạn sẽ tự nêm gia vị cho nước chấm với cả một khay đầy rau, gừng, xả, ớt, lá chanh. Cửa hàng cũng là nhà luôn nên sạch sẽ hơn ốc vỉa hè, phục vụ nhanh, gần như có đủ các loại sò, ốc. Có thể Ăn kèm một số thứ khác như: trứng cút lộn, sò nướng, hoa quả ăn kèm, trà đá, ăn ở đây rẻ hơn nhiều so với Huyền Ốc ở Cát Dài.
Ốc nóng : Đường Đà Nẵng, bán từ 4h chiều, ngon nhất là ốc môi đỏ xóc muối hoặc ốc mút luộc mắm. Mỗi tội bà chủ quán khó tính, khách ý kiến lôi thôi là bị mắng.
  • Ốc nóng : Xào, Luộc ở 11 / 201 Trần Nguyên Hãn ( 2h Chiều )
  • Quán ốc Đình Đông, đi từ Lạch Tray vào tầm 50 met, ở đầu ngõ
  • Quán ốc đầu chợ Lương Văn Can,chị Hoa
  • Quán ngõ 308 Cát Dài (Tường ốc chứ không phải Huyền ốc)
  • Quán ốc đối diện công ty Da Giầy chỗ Hàng Kênh, ngon nhưng hơi đông.
  • Ốc: chợ Cố Đạo. Có đến mười mấy loại ốc từ ốc đồng đến ốc biển. Nghe nói món ốc xào xuất phát từ HP.

Bún cá

  • Bún cá rô ở đướng Lê Lợi. Từ ngã tư thành đội đi lên khoảng 100m bên tay phải.
  • Bún cá rô bà béo (quán cuối cùng bên phải) ở đường Lê Quýnh (đối diện xổ số nhìn sang).
  • Bún cá cay ở đường Phạm Tử Nghi.Nằm bên trái,đi từ đường Thiên Lôi vào 20m.
  • Bún lòng cá trong chợ Đông Khê hoặc ở gần cuối đường Đà Nẵng (gần chỗ bưu điện Vạn Mỹ,quán đó nằm cùng phía với trường CĐ Hàng Hải).
  • Bún cá trong khu Đồng Tâm (quán này khá sạch sẽ).
  • Bún cá cuối ngõ 193 Văn Cao (gần nhà quả núi).Ăn bát bún ở đây thì no đến trưa vì bát to.
  • Bún cá Tô Hiệu (gần Phúc Đại Lợi,cùng phía luôn).
Bánh cuốn: có 2 loại bánh cuốn chay và bánh cuốn nhân. Vote cho bánh chay. Địa chỉ thì bạn nên tìm tới Bánh cuốn Trang trong ngõ trên đường Cầu Đất, hoặc quán ở đối diện ngõ Lửa Hồng. Chả ăn bánh cuốn ở Hải Phòng là loại chả thịt rán (giống chả quế nhưng cho vào rán cả miếng to). Nước chấm nhạt có thể húp được.
Tiết nóng: loanh quanh ở chợ An Dương. Tiết lợn hay tiết ngan muốn luộc ăn ngon không bị chát thì phải đánh như đánh tiết canh (không có nhân, ở Hải Phòng thì thường cho mỡ lòng băm nhỏ vào làm nhân) rồi luộc. Hoặc 1 địa chỉ nữa là ở Ngõ 274B Lạch tray (3h Chiều), hoặc lên mấy quán bia cỏ ở Ngã 5 đầy.

Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch Đồ Sơn Hải Phòng

Cháo lòng tiết canh

  • Cháo lòng Lãn Ông. Nằm cạnh ngân hàng PG Bank.Bán từ đúng 12h đến 2h.Ra sớm đấu tranh thì có chỗ ngồi.Ra muộn hết chỗ.Tự lấy bàn ghế,mắm,ớt…Mua lòng,tiết canh như mua bao cấp. Nhưng rất ngon mà rẻ.
  • Cháo lòng Trần Quang Khải, nhà sạch sẽ hơn,nhưng đắt hơn Lãn Ông và ko ngon bằng Lãn Ông. Bán buổi trưa.
  • Cháo lòng trong ngõ ở đường Nguyễn Công Trứ. Nằm dúng cái đoạn cua cong cong chỗ gần cái đình. Bán buổi trưa.

Nem cua bể

  • Quán Phương Mai Cát Cụt.
  • Bún Chả Nem Cua Bể : 323 Tô Hiệu ăn trong nhà, chả nem ghẹ. Nem cua bể h 50k 1 cái ăn chả ra gì. Thích ăn nem cua bể thì lên đầu chợ Cố đạo, đường Trần Nhật Duật.

Xôi thịt

Xôi thịt ở các nơi khác ăn khác hẳn với Xôi thịt Hải Phòng. Đa số là Xôi + thịt kho, mặn chát. Xôi thịt HP có thể húp được cả nước thịt vì nó nhạt. Thịt ba chỉ luộc cả tảng, xăm thủng bì cho vào quay rôi mới kho. Một số quán Xôi Thịt : 20 Lãn Ông, có thể nói là nổi tiếng nhất HP (trước bán ở chỗ triển lãm). Quán Bà Ngọ ở Lý Thường Kiệt.
Xôi thịt, lạp xường, ruốc, giò, trướng vịt lộn: ở Lê Lợi, đối diện cổng chợ Lương Văn Can, ngay sát ngõ vào Trường mẫu giáo Sao Biển. Quán này chỉ mở sáng từ 7h đên 10h. Quán đã bán hơn 16 năm rồi.
Bánh giò, bánh dày, giò chả: trong chợ Cấm, ở giữa 2 hàng bán quần áo, đối diện với 1 hiệu cắt tóc. Bánh giò nhiều thịt mà rẻ, vì bán ngon và rẻ nên hàng này bán rất chạy. Mở từ 2h chiều. giờ hết bánh không xác định.

Kinh nghiệm Du lịch Hải Phòng giá rẻ (chi tiết)

Bánh bèo

  • Lê Đại Hành, gần UBND quận Hồng Bàng. Chỗ này không phải ngon nổi bật nhưng phổ thông nhất, dễ tìm nhất.
  • Trong chợ Lương Văn Can.
  • Đằng sau sân vận động.Cạnh quán bánh đa cua.
Bánh đúc tàu: ở chợ An Dương.
món ăn ngon Hải Phòng

Quán ăn ngon Hải Phòng

Bổ sung thêm một số quán ăn ngon khác, nếu ở lâu bạn cũng có thể tìm và thưởng thức.
  • Phở : Ngã 4 Cát Dài & Cát Cụt , Ngã 4 Mê Linh & Nguyễn Đức Cảnh ( Lưu ý bán tối ). Còn có một quán phở rất ngon trong ngõ Cấm, Lê Lợi. Đi thẳng vào ngõ đến ngã tư thì sẽ thấy hàng phở bên tay trái, chính là hắn 15-20k/bát.
  • Cơm Rang : Cơm rang ở Hàng số 10 Đinh Tiên Hoàng, quán Thủy Hử gần ngã tư Lê Đại Hành- Trần Quang Khải.
  • Bánh Đa Thịt Vách : 60 Minh Khai, quán bán buổi sáng 25-30k/bát. Hoặc quán đối diện chợ Trần Quang Khải bán buổi trưa 15k/bát.
  • Miến Tôm & Trộn Thập Cẩm : Ngõ 96 Cát Dài ( 12h Trưa )
  • Mỳ Vằn Thắn : 56 Kỳ Đồng ( 8h 30 Tối ). Quán Lưu Lang gần đền Nghè.
  • Bún Đậu Mắm Tôm : Chợ Cố đạo, đường Trần Nhật Duật.
  • Bún Chả Quạt : 199 Tô Hiệu ( 11h Trưa ), Ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Trần Quang Khải gần Bệnh viện, quán này nổi tiếng từ ngày xưa.
  • Bún Tôm : 80 Trần Quang Khải 12h Trưa , 29 Cát Dài ( 4h Chiều )
  • Bún Vịt : 30 Phố Lê Chân ( 5h Chiều )
  • Bún Cá : Ngõ 17 Cát Dài ( 7h Sáng ) , 124 Cát Dài ( 7h Sáng )
  • Bún Cá Rô : E ko nhớ địa chỉ, có 1 quán đầu đường Lê Lợi đi xuống khoảng 50m. Quán ngon nhất thì ở đường Lý Tự Trọng, gần chợ, chỉ bán từ 7h-8h30 sáng.
  • Bún Ốc : Ngõ 17 Cát Dài. ( Sáng )
  • Nem Thính : Chợ Lương Văn Can, đường Lê Lợi.
  • Thịt Bò Khô : A Loòng e bán 12h trưa Ngõ 96 Cát Dài , A Loòng a bán 4h chiều 212 Lê Lợi. Bà Thành bán ở cuối đường Phan Bội Châu, gần chợ sắt.
  • Cháo Sườn : Ngã 3 Tam hoàn bán 2h chiều ( Ngã 3 Hoàng Văn Thụ và Phan Bội Châu )
  • Cháo Lươn : Có hàng cháo tổng hợp rất ngon ở chợ An Dương, để hôm nào e điều tra lại cái địa chỉ đã.
  • Cháo Lòng : 22 Lạch Tray ( 7h Sáng )
  • Xôi : Thịt & Pate 28 Lê Chân ( 7h Sáng ) Cổng trường Minh Khai phố Lê Chân bán sáng. Ngon nhất là xôi Bà Xai, đầu Cầu Đất, giá chát 25-30-35k/bát
  • Chè : Lên đường Trần Phú cạnh cây Xăng.
  • Gà Tần : 186 Cát Dài 11h Trưa ( Gà Đen & Ác )
  • Bánh Cuốn : 66 Cát Cụt ( 5h Chiều )
  • Bánh Bột Lọc : Chợ Cố Đạo, Trần Nhật Duật.
  • Bánh Giò : 29 Trần Quang Khải ( 2h Chiều )
  • Bánh Bèo : 14 Lê Đại Hành. Trong chợ Lương Văn Can, Lê Lợi cũng có 1 quán rất ngon.
  • Bánh Xèo Tôm : 12 Hàng Kênh ( 3h Chiều )
Đọc: Kinh nghiệm du lịch Sapa giá rẻ
  • Bánh Tôm : Đường vòng Hồ Đào, đường Lạch Tray, đi từ LT vào rẽ tay phải.
  • Bánh Gối :Chợ Cố Đạo, Trần Nhật Duật.
  • Bánh Đúc Tàu : 186 Cát Dài. Chợ Cố Đạo, Trần Nhật Duật.
  • Bánh Đúc Lạc : Ngõ 96 Cát Dài
  • Trà Cúc : 121 Cát Dài bỏ qua 2 cái quán 17 và 33 Phan Bội Châu đi nhé
  • Cafe : Duy Số 3 đường Đà Nẵng , Cafe Bình … Mê Linh , 68 Phố Lê Chân
  • Sam : Đường Chu Văn An, sau SVD Lạch Tray.
  • Thịt Chó : Quán Chiến Trường, Lạch Tray. Quán Dũng, Cát Dài. Khoa Phèo, đường Lê Hồng Phong.
  • Thịt Mèo : Trong thành phố thì ở Đường Chu Văn An, sau SVD Lạch Tray, hoặc lên đường Lê Hồng Phong. Ngon nhất phải ra Đồng Nẻo gần Đồ Sơn, quán gì gì Thống e ko nhớ rõ.
  • Vịt : Chợ Con, Hàng Kênh nhiều quán lắm.
  • Rắn : Sang bên Kiến Thụy cơ, địa chỉ loằng ngoằng để e hỏi lại.
  • Bò Nướng : Ngã tư Minh Khai – Trần Quang Khải.
  • Lẩu : Cua Đồng 188 Văn Cao
  • Mực Nướng & Xào :
  • Bia Cỏ : Bia Hơi Hà Nội 62 Lương Khánh Thiện, bia cỏ lên Ngã 5.
món ăn ngon Hải Phòng

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Du lịch Đồ Sơn - Hải Phòng


Đồ Sơn là một điểm du lịch biển gần Hà Nội nhất, khoảng 120km từ Hà Nội. Tuy nhiên xét một cách khách quan là du lịch ở đây chưa hấp dẫn nhiều du khách. Nhiều người cũng khuyên nếu đến Hải Phòng thì ra Cát Bà mà chơi chứ ít khi khuyên đi Đ.Sơn. Dù sao mình cũng đã tổng hợp một số Kinh nghiệm Du Lịch Đồ Sơn để các bạn có thêm lựa chọn cho chuyến đi của mình.

Đi Đồ Sơn như thế nào

Từ Hà Nội bạn có thể dễ dàng đi Hải Phòng bằng xe lửa hoặc xe khách chất lượng cao.

Tầu hỏa đi Hải Phòng

Bạn có thể đi từ ga Hà Nội, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm (chỉ có ga Gia Lâm mới cho xe máy lên được). Thông thường có các chuyến: 6h30, 9h15, 15h, 18h (2 chiều từ 2 đầu Hải Phòng hoặc Hà Nội, giờ này mình nhớ không rõ lắm, bạn phải check lại bên nhà Ga nhé).
Từ Hải Phòng bạn có thể đi taxi hoặc xe Bus tới Đ.Sơn (tuyến xe số 3, xuất phát tại bưu điện thành phố). Cứ 20 phút có 1 chuyến, giá vé từ 7000-10.000. Liên hệ công ty vận tải Thịnh Hưng ĐT: 031.3778923 DĐ: 0913.310976 0903.216069.

Du lịch Đồ Sơn - Hải Phòng

Xe khách đi Hải Phòng

Với xe khách bạn đi các xe từ bến xe Gia Lâm, Lương Yên, có nhiều chuyến chạy trong ngày. Bạn nên đi Hoàng Long  (lương Yên) hoặc Hải Âu (Gia Lâm), đây là 2 hãng xe nổi tiếng và chất lượng dịch vụ tốt. Tham khảo qua bài Xe khách chất lượng ở Việt Nam. Đến Hải Phòng bạn lựa chọn các hình thức vận chuyển mình đã nói ở trên để ra Đồ Sơn. Nếu bạn đi xe riêng, hoặc xe máy thì cứ chạy thẳng đường 5 đi Hải Phòng. Trên đường đi cẩn thận Áo Vàng nhé.

Xem thêm các bài viết liên quan

Chơi gì ở Đồ Sơn

Dân Hải Phòng cuối tuần hay đi tắm biển Đồ Sơn trong ngày. Một số điểm vui chơi ở Đ.Sơn bạn nên đi đó là: Biệt thự Bảo Đại, thung lũng tình yêu, khu du lịch Hòn Dáu. Buổi chiều thì đi tắm biển, tối đi dạo vòng vòng. Nếu đi 2 ngày thì, sáng hôm sau đi tàu sang đảo Hòn Dáu, thăm đảo đèn, vườn sinh thái, chiều về lại Hà Nội.
Lưu ý: nếu ra Hòn Dáu bạn nên đi tầm sáng sớm (liên hệ số điện thoại Bến Nghiêng : 0312214428) nếu tầu đi vắng khách thì giá vé sẽ cao, nếu tầu đông khách các bạn nên mặc cả giá. Nhớ mua vé cho 2 chiều luôn nhé.

Trọi Trâu Đồ Sơn

Trọi Trâu Đồ Sơn diễn ra vào 9 tháng 8 âm lịch hàng năm, nếu đi vào thời gian này bạn nên ghé thăm xem Trọi Trâu. Đây là một lễ hội nổi tiếng ở Hải Phòng và miền Bắc. Xem thêm thông tin Lễ Hội Trọi Trâu tại đây.

Khách sạn ở Đồ Sơn

Có nhiều khách sạn và nhà nghỉ, tuy nhiên theo mình các bạn nên ở khu 295. Từ đường cái chính khi đi đến gặp tượng con trâu ở khu 1 thì bạn rẽ trái. Khu này trước đây do quân đội quản lý, nên an toàn và vắng vẻ. Giá cả cũng hợp lý. Liên hệ 295 anh Quân : 0168583659.
Nếu đi trong ngày cần chỗ nghỉ ngơi, các bạn có thể thuê nhà nghỉ theo giờ. Ngoài ra còn nhiều nhà nghỉ và khách sạn ven biển ở các bãi II, III. Giá cả thì không biết đâu mà lần, ra cứ mặc cả và đi chọn nhà nghỉ khách sạn nào ưng ý là được. Nếu bí quá thì lại về Hải Phòng mà nghỉ đêm.
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo một các khách sạn khác qua trang đặt phòng Agoda.vn
Về thuê xe máy ở Đồ Sơn hay Hải Phòng là khó, hiếm thấy có dịch vụ này. Các bạn có xe máy có thể mang xe lên tầu hỏa, xuống đó đi lượn lờ.

Nhà hàng ở Đồ Sơn

– Nhà hàng Casino: Nằm trong Casino Resort: Đồ ăn được, chế biến theo kiểu Tàu, ngon, sang trọng nhưng đắt (mất 1/2 cho thương hiệu).
– Nhà hàng Vạn Vân: Nằm cuối khu 2, đầu khu 3 (bên tay phải đường vào), đồ ăn ngon, phục vụ chuyên nghiệp, sang trọng lịch sự (mình thích nhất cái này ở ĐS) giá hơi đắt hơn các nơi khác chút.
– Nhà hàng Biển Đông (ngay trung tâm khu 2): Cái này chỉ đc cái rộng, có sân khấu chứ ăn dở lắm, lại đắt nữa.
– Nhà hàng Gió Biển: Trên đường vào khu 2, nhà hàng này rộng, chế biến được, phòng ăn thoáng, giá cả phải chăng, nếu không cần cầu kỳ ăn ở đây nhé.
– Nhà hàng Tam Dương: Nằm trung tâm khu 2, cạnh Khách Sạn Hải Âu (có 2 cơ sở, cơ sở 1 sát mép biển, cơ sở 2 nó thuê 1 cái biệt thự và 1 khuôn viên của Hải Âu), ở đây đồ ăn tươi, giá đắt hơn Gió Biển 1 chút nhưng chấp nhận đc, đầu bếp nấu ngon nhưng hơi đông, phải đặt trước nếu đi đoàn.
– Nhà hàng Tằng Hậu: Nằm ngay Bến Thốc (khu 1), đồ ăn tươi, giá rẻ, chế biến không cầu kỳ (đồ biển thì tươi là ok rồi, có phòng cho thuê như mình nói ở trên cho ai đi 1 ngày) nhưng đi ăn hơi xa, cũng là 1 nơi nên thử.
Du lịch Đồ Sơn - Hải Phòng

 

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Kinh nghiệm du lịch Hải Phòng

Nhắc đến du lịch Hải Phòng, hầu hết mọi người đều nghĩ tới đảo Cát Bà hay bãi biển Đồ Sơn vì Hải Phòng là một trong những thành phố biển lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, ngoài những địa danh đã nổi tiếng từ rất lâu như vậy, du lịch Hải Phòng còn có rất nhiều nét hấp dẫn từ văn hóa, đời sống, cảnh quan thiên nhiên. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nhiều thông tin về các điểm du lịch nội thành và các khu vực lân cận thành phố Hải Phòng.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về kinh nghiệm đi du lịch Đồ Sơn và Cát bà, bạn có thể đọc qua 2 bài viết chi tiết:
Du lịch Cát Bà
Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn

Phương tiện đến và đi từ Hải Phòng

Hải Phòng, hay còn gọi là Thành phố Hoa phượng đỏ là thành phố lớn thứ hai ở phía Bắc nước ta. Cách thủ đô Hà Nội 100km về hướng Đông Bắc và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường biển và đường Hàng không…

Bay đến Hải Phòng

Nếu đến Hải Phòng bằng đường Hàng Không, khách du lịch sẽ bay đến sân bay Cát Bi, cách trung tâm thành phố chỉ 5km.
Hiện có 3 hãng hàng không có đường bay tới sân bay Cát Bi, bao gồm:
  • Vietnam Airlines có khai thác các đường bay nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến và đi từ Hải Phòng.
  • Vietjet Air cung cấp các chuyến bay khứ hồi Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Riêng Jetstar ngoài chuyến bay nội địa Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh còn khai thác đường bay quốc tế Hải Phòng – Singapore.
Tuy nhiên, hiện sân bay Cát Bi đang trong quá trình xây dựng, nâng cấp để trở thành Cảng Hàng Không Quốc tế lớn thứ hai ở khu vực miền Bắc nên nếu khách du lịch đến hoặc đi từ thành phố Hải Phòng trong các thời điểm thời tiết quá xấu thì nhiều khả năng chuyến bay sẽ phải cất cánh và hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Các hãng Hàng không sẽ có sắp xếp để đưa hành khách di chuyển Hà Nội – Hải Phòng bằng xe bus chất lượng cao. Trong thời gian sắp tới, khi sân bay Cát Bi hoàn thiện và được đưa vào sử dụng với tất cả các chức năng thì tình trạng này sẽ không còn xảy ra nữa.
Giá vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng tới Hải Phòng thường dao động trong khoảng giá 1 – 1,5 triệu đồng/ chiều. Nếu các bạn theo dõi các đợt khuyến mãi trên website của các hãng sẽ tìm được vé thấp hơn nhiều so với mong đợi. Đầu năm 2014, mình có mua được vé Hải Phòng – Tp Hồ Chí Minh với giá gần 500k/ khứ hồi của Vietnam Airlines trong chương trình những ngày vàng cuối tháng. Ngoài ra, cũng chặng bay này mình còn đặt được vé 0 đồng của Jetstar vào đêm Giao thừa, nên tính cả thuế và phí vé đó cũng mới chỉ có 256k. Vé khuyến mãi đến và đi từ sân bay Cát Bi thường dễ kiếm hơn hay có thể nói là “cứ có khuyến mãi là sẽ kiếm được” so với đến và đi các sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất.

Từ sân bay Cát Bi vào thành phố Hải Phòng

Sân bay cách khu vực trung tâm thành phố khoảng 5km nên các bạn có thể lựa chọn taxi hoặc xe ôm để đi vào trung tâm thành phố. Xe ôm ở Hải Phòng giá khá rẻ so với xe ôm ở Hà Nội và có thể trả giá nếu bạn thấy giá mà người lái xe đưa ra chưa hợp lý. Còn taxi thì cứ yêu cầu đi theo đồng hồ. Ở Hải Phòng mình chưa thấy có tình trạng taxi dù hay taxi mà đồng hồ tính ăn gian như Hà Nội hoặc Tp Hồ Chí Minh.

Tàu hỏa từ Hà Nội đi Hải Phòng

Ga Hải Phòng là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Mỗi ngày có tới 8 chuyến tàu nối liền Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, vận chuyển hàng ngàn hành khách và hàng tấn hàng hóa giữa hai thành phố này.
Những chuyến tàu Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại này là một cách khá thú vị để các bạn tận hưởng chuyến đi của mình. Nó có nhiều ưu điểm như: tiết kiệm, an toàn, có thể mang theo nhiều hành lý cồng kềnh như: xe đạp, xe máy, cần câu… Trên tàu các bạn cũng có thể đọc sách, nghe nhạc, ăn nhẹ, thậm chí là đi dạo… nếu muốn. Đặc biệt các bạn bị say xe ô tô thì cách này là cách đi an toàn và bảo đảm sức khỏe nhất.

Kinh nghiệm du lịch Hạ Long
Vé tàu không cần phải mua trước nếu các bạn không đi vào những dịp Lễ, Tết lớn. Chỉ cần ra ga trước 30’ là bạn có thể mua vé, gửi hành lý cồng kềnh nếu có và ổn định chỗ ngồi trên tàu. Những dịp nghỉ dài hoặc những ngày Lễ, Tết thì cần phải mua vé trước ở ga Hà Nội, mặt đường Trần Quý Cáp.
Giá vé tàu dao động từ 45-85k tùy thuộc vào việc các bạn lựa chọn ngồi ghế gỗ, ghế đệm, có hoặc không có điều hòa. Nếu các bạn mua vé toa Hoa Phượng thì ở các chỗ ngồi còn có cả ổ cắm điện để phục vụ cho hành khách sử dụng các thiết bị điện tử như laptop, ipad…
Đường sắt còn có ưu đãi đặc biệt đối với sinh viên, chỉ cần xuất trình thẻ sinh viên các bạn sẽ mua ngay được vé giảm 50%.
Ga Hải Phòng nằm ở trung tâm thành phố, trên đường Lương Khánh Thiện nên nếu các bạn đặt khách sạn ở trong khu vực trung tâm thì có thể hỏi trước địa chỉ khách sạn, xem bản đồ rồi tùy thuộc khoảng cách mà đi bộ tới khách sạn hoặc gọi xe ôm, taxi. Nếu khoảng cách quá gần, thường taxi sẽ không chạy theo đồng hồ mà chạy theo giá thỏa thuận giữa khách và lái xe.

Bảng giờ tàu Hà Nội – Hải Phòng

Tàu HP1 là tàu nhanh nhất, số điểm dừng đỗ ít nhất, xuất phát lúc 6:00 sáng từ ga Hà Nội (mặt ga Trần Quý Cáp). Các bạn lưu ý là mặt ga ở đường Trần Quý Cáp mới bán vé tàu đi Hải Phòng còn mặt ga đường Lê Duẩn không bán.
Các tàu LP3, 5, 7 đỗ nhiều ga hơn nhưng cũng không chậm hơn mấy thời gian đâu. Xuất phát từ ga Long Biên (ở chân cầu Long Biên), chỉ ngày Lễ, Tết mới xuất phát từ ga Hà Nội (mặt ga Trần Quý Cáp).
Nếu muốn gửi xe máy, xe đạp lên tàu để về Hải Phòng các bạn chủ động trong di chuyển thì có thể gửi từ ga Hà Nội hoặc ga Gia Lâm, ga Long Biên không nhận xe đạp và xe máy.

Bảng giờ tàu Hải Phòng – Hà Nội

Lưu ý đối với hành khách gửi xe máy theo tàu: Vé xe máy dao động 70-100k/ vé tùy phân khối xe, phí xếp dỡ 30k/ xe, trước khi nhân viên tàu xếp xe lên tàu họ sẽ rút xăng trong xe của mình mà không trả xăng đó cho mình đâu. Do vậy bạn nên thủ sẵn 1 chai lavie xăng mang theo trước khi đưa xe lên tàu, cũng cần rút cạn xăng trước khi đưa xe lên. Trường hợp quên và bị rút xăng thì Cây xăng gần ga Hải Phòng nhất là cây xăng trên đường Trần Phú. Các bạn đi ra cửa ga, đi thẳng đường Phạm Ngũ Lão, đến ngã tư rẽ trái đi theo đường Trần Phú thêm khoảng 150m sẽ thấy cây xăng rất to nằm ở ngã tư.

Xe khách Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại

Hải Phòng có 3 bến xe lớn:
  • Bến xe Niệm Nghĩa, thường các xe xuyên Việt sẽ đón và trả khách ở bến này. Hoặc các xe chạy theo đường quốc lộ 10, quốc lộ 1 đến và đi từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…
  • Bến xe Tam Bạc: điểm đến của các xe chạy theo quốc lộ 5, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.
  • Bến xe Cầu Rào: có các xe đến và đi từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên…
Hầu hết khách du lịch xuất phát từ Hà Nội đi Hải Phòng sẽ đi xe bus chất lượng cao của hai nhà xe Hoàng Long và Hải Âu.
  • Xe Hoàng Long đi từ bến xe Lương Yên, Hà Nội đến bến xe Tam Bạc, Hải Phòng với giá vé 75k/ người. Chuyến sớm nhất vào lúc 4:50 và chuyến muộn nhất lúc 21:00, các xe chạy liên tục trong ngày, tổng số lên tới 42 chuyến/ ngày nên các bạn không cần đặt vé trước mà ra bến xe lúc nào đều có thể đi ngay sau đó từ 5-10’.
  • Xe Hải Âu đi từ bến xe Gia Lâm, Hà Nội đến bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng được chia làm 2 loại. Loại thường giá vé 75k giống như xe Hoàng Long và loại VIP có giá 85k. Loại VIP chỉ xuất phát lúc giờ chẵn, mỗi giờ có 1 xe, ví dụ 7:00; 8:00… và chuyến cuối cùng lúc 17:00. Loại xe này cam kết không đón khách dọc đường, chạy khoảng 2h là về tới Hải Phòng thay vì 2h30’ như các xe thường.
Các bến xe đều nằm khá gần trung tâm thành phố, chỉ cách khoảng 1-2km nên các bạn có thể tùy lịch trình mà tìm phương tiện tiếp theo. Ở bến xe xe ôm, taxi đón khách thì không được trật tự, có hàng lối như ở sân bay và nhà ga, các bạn nên chú ý quan sát hành lý, túi xách cá nhân của mình.
Ngoài việc sử dụng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân. Rất nhiều khách nước ngoài đi xe máy Hà Nội – Hải Phòng. Vừa nhanh chóng, không phụ thuộc mà đến Hải Phòng lại có phương tiện để di chuyển sang các khu vực lân cận. Nếu các bạn là một nhóm đông người có thể thuê xe ô tô từ 4-45 chỗ đi Hải Phòng rất dễ dàng. Nhưng lưu ý khi di chuyển trên đường quốc lộ 5 cần tuân theo các chỉ dẫn về tốc độ, mang đầy đủ giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân, bằng lái… Đường đi đẹp, có biển chỉ dẫn và cột km rõ ràng nên các bạn không lo đi lạc nhưng nhớ tuân thủ luật lệ giao thông. Nếu đi ban ngày các bạn cần lưu ý về tốc độ ở các đoạn trước và sau khi vào Hải Dương, và đoạn trước khi vào thành phố Hải Phòng.
Nhìn chung, các phương tiện di chuyển đến và đi từ Hải Phòng đều rất thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng.

Kinh nghiệm Du lịch Cát Bà

Đi lại ở Hải Phòng

Hải Phòng là một thành phố nhỏ hơn nhiều so với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh nên không có hệ thống xe bus phức tạp như hai thành phố này. Khách du lịch tới Hải Phòng thường thích đi bộ hoặc đạp xe vì những con phố ở đây thường nhỏ, nhiều cây và yên tĩnh.
Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể sử dụng các phương tiện giống với người dân nơi đây là xe đạp điện và xe máy. Hai loại phương tiện này du khách liên hệ với khách sạn mình ở để thuê hoặc đề nghị họ thuê hộ. Ở Hải Phòng, khu vực trung tâm thành phố chưa thịnh hành việc cho thuê các phương tiện giao thông cá nhân vì khu vực trung tâm nhỏ. Nhưng ở các khu vực du lịch lâu đời như Đồ Sơn, Cát Bà thì việc thuê xe đạp, xe đạp điện hoặc xe máy rất dễ dàng.
Vì đường xá ở Hải Phòng không đông và tắc đường như ở Hà Nội nên taxi là phương tiện di chuyển an toàn, thuận tiện hơn cả. Taxi ở đây cũng không đi vòng vèo để kiếm thêm tiền của khách. Nhưng đi đâu cũng vậy, kinh nghiệm là các bạn nên xem trước điểm đó, khoảng cách xa gần như thế nào để mình có thể đề phòng trước mọi chuyện.
Đối với các bạn muốn khám phá khu vực trung tâm thành phố, các bạn hãy đi bộ để cảm nhận hết vẻ đẹp của thành phố này.

Du lịch Hải Phòng

Chơi gì ở Hải Phòng? Nếu đặt một câu hỏi như vậy thì ngay lập tức, khó ai có thể trả lời được. Vì Hải Phòng không có những khu di tích, danh thắng lớn nằm trong trung tâm Thành phố. Nhưng nếu mục đích chuyến đi của các bạn là trải nghiệm những nét đẹp của Hải Phòng, tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân miền đất Cảng thì lại có quá nhiều điều đáng làm ở đây.
  1. Chụp ảnh Nhà Hát Lớn và dải vườn hoa Trung tâm thành phố

Nhà Hát Lớn Hải Phòng là một trong ba Nhà Hát do Pháp xây dựng ở Việt Nam, là một trong những công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của Thành phố Cảng. Nhà Hát Lớn được xây dựng theo kiến trúc Baroc và là một địa danh lịch sử gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân Hải Phòng.
Khu vực quảng trường Nhà Hát Lớn được nối liền với dải vườn hoa Trung tâm tạo nên một diện mạo xanh, sạch, đẹp cho Thành phố.
Tại khu vực vườn hoa này, vườn hoa Nguyễn Du hay còn được gọi là vườn hoa Nhà Kèn là một địa điểm quen thuộc mà Sở Văn hóa Du lịch Hải Phòng thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc vào cuối tuần nhằm phục vụ khách du lịch và nhân dân thành phố.
  1. Tìm hiểu lịch sử Thành phố với chiến công lừng lẫy của nữ tướng Lê Chân

Vùng đất Hải Phòng, tên gọi trước đây là An Biên, gắn liền với tên tuổi của nữ tướng Lê Chân. Nếu các bạn quan tâm tới lịch sử, các bạn có thể ghé thăm 3 công trình nằm rất gần nhau để tìm hiểu thêm về vị nữ tướng này.
Tượng đài Lê Chân
Ngay sau lưng tượng đài là Trung trâm Triển lãm và Mỹ thuật Thành Phố, nơi mà các bạn có thể tìm hiểu về lịch sử, những hình ảnh đặc trưng, nét đẹp của đời sống văn hóa nơi đây. Đặc biệt, những thông tin về vùng đất An Biên, những cuộc chiến tranh giữ nước đều được tìm thấy ở đây. Khu vực triển lãm luôn mở cửa miễn phí cho khách tham quan.

Danh bạ Quán ăn ngon ở Hải Phòng
Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin, các bạn cũng có thể ghé thăm đền Nghè (An Biên cổ miếu), ngôi đền thờ nữ tướng Lê Chân và Hai Bà Trưng. Ngôi đền không hề lớn nhưng là một quần thể kiến trúc dân tộc mang phong cách thời Nguyễn gồm hậu cung, nhà thiêu hương, tả vu, hữu vu, nhà bái đường, nhà bia, tam quan…
  1. Đi dạo vòng quanh hồ Tam Bạc

Nếu các bạn đến Hải Phòng bằng ô tô bus và xuống bến xe Tam Bạc thì các bạn sẽ nhìn ngay thấy hồ Tam Bạc ở trước mặt. Các bạn nên dạo bộ vòng quanh hồ Tam Bạc vào buổi chiều để có thể hòa mình vào đời sống của người dân nơi đây.
Hồ Tam Bạc không lớn nhưng nó lại cho ta cái nhìn toàn cảnh về các thế hệ người dân Thành phố.
Là nơi các cụ già hẹn nhau cùng đánh cờ, các bác trung niên tản bộ ngắm cảnh hồ, các chị các cô tập thể dục, các em nhỏ tan học đi về…
Vào mùa hè, những cây phượng quanh hồ nở rực rỡ khiến cả thành phố như ngập tràn sắc đỏ hay ánh điện lung linh vào buổi tối đều khiến du khách không thể bỏ lỡ cảnh đẹp này.
  1. Đạp xe đạp vòng quanh phố Tây

Có thể Hải Phòng không có khu phố cổ náo nhiệt như Hà Nội, hay mang đậm dấu ấn như Hội An. Nhưng Hải Phòng cũng có những đặc trưng riêng biệt khi các bạn đạp xe dạo quanh các con phố mà người dân Hải Phòng thường gọi là phố Tây.
Những con phố Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Minh Khai, Lê Đại Hành… nối từ khu vực Nhà Hát Lớn, theo dải vườn hoa Trung tâm Thành phố đến tận khu Doanh trại Quân đội rồi vòng ra phía bến Bính, cầu Lạc Long, bờ sông Tam Bạc… đều là những con phố nhỏ, với hai hàng cây cổ thụ râm mát.
Những ngôi nhà có kiến trúc Pháp cổ cũ có, mới được sửa sang cũng có, đem lại cho du khách một cảm giác khá tách biệt với những đô thị ồn ào, náo nhiệt. Các bạn có thể đi chầm chậm qua những dãy phố nhỏ, thơm mùi hoàng lan như Hồ Xuân Hương, chụp ảnh khu nhà cổ ở gần bến phà Bính, ghé thăm Nhà Thờ Lớn Hải Phòng, ngồi cà phê ngắm dòng người qua lại và cuối cùng có thể ngắm hoàng hôn trên sông Tam Bạc… Tất cả đều đem lại cảm giác chậm rãi và yên bình.
Dường như Hải Phòng vẫn giữ được những nét xưa cũ của cách đây cả một thế kỷ trong khu phố này.
  1. Ghé thăm các làng trồng hoa truyền thống

Nói đến làng hoa khi đến Hải Phòng, mọi người thường nghĩ tới làng Lũng. Tuy nhiên, hiện nay ở Hải Phòng có khá nhiều làng trồng hoa khác nữa như ở khu vực Tràng Cát hay xã Kiều Trung…
Lũng thì có cả chợ hoa họp từ sáng sớm để các bạn có thể mua hoa và tham quan cảnh mua bán tấp nập của các đầu mối mua hoa về bán. Trong ngày thì các bạn có thể vào tận vườn, chủ vườn sẽ cho bạn chọn và cắt hoa bán cho bạn. Nếu chỉ muốn chụp ảnh, nhớ nói chuyện làm quen trước, bạn sẽ không mất tiền để vào vườn hoa đâu. Nhưng hiện nay với số lượng người ngày càng đông vào các vườn hoa này để chụp ảnh nên các chủ vườn ở Lũng cũng đã khó tính hơn. Ở Lũng thường các bạn sẽ thấy phần nhiều là vườn hồng và cúc.
Muốn đến khu vực này, các bạn đi ra khu vực Big C, rẽ trái sang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi rẽ phải vào phố Chợ Lũng. Các bạn cứ đi sâu vào trong làng, hỏi đường hoặc vào các vườn hoa mà bạn nhìn thấy trên đường.
Đi xa hơn Lũng một chút về phía đằng sau sân bay Cát Bi, hay còn gọi là khu Tràng Cát, cũng có rất nhiều vườn hoa. Dân ở đây trồng nhiều loại hơn, từ hồng, cúc… tới loa kèn, thược dược… Các vườn cũng được quy hoạch nhìn vuông vắn, sạch sẽ, có hàng rào rất đẹp, ngay cả con đường dẫn từ vườn này sang vườn khác trong khu vực này cũng đẹp nữa. Các bạn cũng không bị thu phí nếu xin phép chủ vườn trước. Nhưng nếu bạn muốn mua hoa thì có vẻ đắt hơn so với bên lãng Lũng. Nhưng vẫn nên mua ít hoa trước khi rời đi trong sự hài lòng của cả chúng ta và chủ vườn.
Vào mùa xuân là mùa của đào, quất thì các bạn nên tới khu vực huyện An Dương, xã Đặng Cương, Đồng Thái. Các bạn hỏi đường đi qua cầu Kiến An, những đường rẽ vào phía bên trái chính là khu vực trồng đào phai nổi tiếng ở Hải Phòng. Giáp Tết ở khu vực này đào nở rực rỡ, các chủ vườn mời khách vào tận vườn của mình để chọn đào hoặc đánh rất nhiều đào ra bán ở ven đường để khách có thể lựa chọn thoải mái. Không khí những ngày giáp Tết ở đây hết sức nhộn nhịp vì ngoài đào, quất còn có các loại hoa, lá dong, lạt… những sản phẩm phục vụ cho ngày Tết nguyên đán.
Khu vực gần cầu Kiến An hơn thì là xã Kiều Trung, huyện An Dương, các bạn rẽ vào sẽ thấy khu vực này cả làng đều trồng hoa sứ, gần đây thì trông thêm cả xương rồng, rất đặc biệt.
  1. Đi chợ phiên cuối tuần – chợ Hàng

Chợ Hàng là chợ phiên duy nhất hiện nay còn họp tại Hải Phòng mà vẫn mang dáng dấp chợ quê giữa lòng thành phố.Với người Hải Phòng, chợ Hàng không chỉ là nơi buôn bán, nó còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngoài việc buôn bán và trao đổi hàng hóa, rất đông người thường xuyên đến chợ để chơi, để ngắm những cây, con giống và trải nghiệm những nét văn hóa. Chợ cũng thu hút rất nhiều người từ các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương…
Chợ Hàng nằm ở khu vực phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, chợ có từ thời Pháp thuộc và khi đó họp vào ngày 5,10,15 âm lịch hàng tháng. Hiện nay thì quy mô của chợ đã được mở rộng hơn, nằm giữa đoạn đường nối giữa đường Miếu Hai Xã với đường Chợ Hàng, tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5) và họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán thì chợ họp liên tục để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.
Tới chợ Hàng, các bạn có thể tìm thấy các loại giống cây, gia cầm, gia súc, vật nuôi, nông cụ… đặc biệt là những món đồ thân thuộc chỉ ở các làng quê mới có như chõng tre, rổ rá mây, điếu cày…
  1. Ngắm cầu Bính lên đèn lúc hoàng hôn

Cầu Bính là cây cầu dây văng dài 1,3km rất đẹp và hiện đại nối trung tâm Thành phố với khu vực huyện Thủy Nguyên, đi về hướng Quảng Ninh. Cây cầu này với chiều cao lên tới 25m, bắc qua sông Cấm đã trở thành nơi lý tưởng cho các du khách yêu thích nhiếp ảnh. Đứng ở vị trí cao nhất trên cầu, vào những ngày đẹp trời, du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh đất trời khu vực Thủy Nguyên. Vào buổi chiều tà, ánh mặt trời đỏ rực chiếu xuống dòng sông Cấm cũng khiến các bạn chụp được những khuôn hình đáng ước ao.
  1. Hóng gió trên đài Thiên Văn Phù Liễn

Đài Thiên Văn Phù Liễn nằm trên núi Phù Liễn, Kiến An, Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 6km.
Tuy hiện nay, đài Thiên Văn không mở cửa cho khách du lịch vào tham quan nhưng đây là một vị trí rất đẹp để có thể ngắm cảnh thành phố từ trên cao. Các bạn có thể thuê xe máy, xe đạp đi lên núi. Đường lên núi rất đẹp, trải bê tông phẳng lì nên vào buổi chiều rất nhiều người dân đi lên núi tập thể dục, chơi thể thao… hoặc đơn giản chỉ để hóng gió.
Có 2 đường lên núi. Một đường đi lên từ ngã 5 Kiến An, phố Cổng Rồng sẽ đi qua khu dân cư. Còn một đường đi lên từ đường Lê Duẩn, đường mòn nằm đối diện Bảo tàng Quân khu 3, hai bên là rừng thông rất đẹp.
Uống chè chén, đọc báo vỉa hè vào buổi sáng
Hải Phòng cập nhật các xu thế của các thành phố lớn khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh rất nhanh nhưng không được lâu dài. Vì sự thực là người Hải Phòng xét về một khía cạnh nào đó khá bảo thủ. Cho tới bây giờ, dân Hải Phòng vẫn thích những quán nước trà mạn, ở đây gọi là chè chén, chỉ có giá 1-2k/cốc hơn là những quán trà chanh như Hà Nội hay cà phê bệt Sài Gòn. Ở bất kỳ đầu ngõ, góc phố nào các bạn cũng thấy có những quán như vậy và các bác bán hàng thì hết sức vui tính, thân thiện. Sẵn sàng trả lời những câu hỏi của bạn nếu bạn có thắc mắc. Nếu bản thân họ không giúp gì được cho bạn, họ cũng sẽ chuyển câu hỏi của bạn tới những người xung quanh.
Kinh nghiệm du lịch Hải Phòng

Đọc báo cũng vậy, mặc dù tin tức qua ti vi, internet ở đây cũng không thiếu nhưng người dân vẫn thích đọc báo giấy. Thành ra, nếu có cơ hội các bạn cũng thử một lần ngồi quán chè chén, mượn chủ quán tờ báo để cập nhật tin tức thời sự, có lẽ cảm giác sẽ rất khác biệt.

Mua đồ hải sản về làm quà

Chợ Đổ là chợ đầu mối lớn nhất của Hải Phòng sầm uất từ cách đây hơn một thế kỷ và có hẳn một khu vực bán hải sản khô. Khu vực này thực chất nằm giữa khu vực đằng sau chợ Sắt và chợ Đổ. Các bạn đi đường từ bến xe Tam Bạc ra rẽ trái, men theo bờ sông sẽ thấy ngay khu vực bán hải sản khô. Ở đây các bạn có thể tìm thấy tất cả các loại hải sản như tôm khô, mực khô, cá thu một nắng, sá sùng khô… với nhiều mức giá tương ứng với độ to, tươi ngon của từng sản phẩm. Cá nhân mình đánh giá cá thu một nắng ở Hải Phòng ngon nhất trong các nơi mà mình đã được ăn. Cá loại 1 rơi vào khoảng 200~250k/kg.
Ngoài ra, sá sùng khô cũng là món ăn mà không phải ở đâu cũng có, người sành ăn thường mua sá sùng khô về để gửi đi nước ngoài hoặc làm quà cho bạn bè thân thiết. 1kg sá sùng khô có giá khá đắt, khoảng 3~3,5tr/kg nhưng chỉ cần vài con sá sùng khô bạn đã có ngay một nồi nước dùng thơm ngon.
Còn nếu muốn mua đồ hải sản tươi, các bạn có thể qua khu vực đằng sau chợ Cố Đạo và chợ Ga, nằm trên đường Trần Nhật Duật. Ở đây giá có thể đắt hơn các chợ khác một chút nhưng là đồ hải sản tuyển chọn, luôn tươi ngon và có dịch vụ đóng thùng xốp cho khách mua mang đi xa, rất tiện lợi. Chợ này có nói thách một chút, không nhiều, khách hàng có thể trả giá nhưng nên trả giá bằng một giọng vui vẻ, hi hi.
Hải Phòng còn quá nhiều điều hấp dẫn với những du khách thích du lịch trải nghiệm. Nên hãy đến và cảm nhận, đừng quá vội vàng mà một cách thật chậm rãi.
Điểm neo

Khách sạn, nhà nghỉ ở Hải Phòng

Có thể nói Hải Phòng là một thành phố có bề dày phát triển lâu đời nên các dịch vụ du lịch cũng theo đó mà có từ rất lâu rồi. Vì vậy, khi đến với Hải Phòng các bạn có thể dễ dàng tìm thấy các loại Khách sạn, Nhà nghỉ với các mức giá từ xa xỉ cho tới bình dân.
Có nhiều khách sạn 4 sao trở lên trong khu vực trung tâm thành phố rất nổi tiếng như: khách sạn Hữu Nghị (số 60 Điện Biên Phủ), khách sạn Hai Phong Habour View (số 12 Trần Phú). Giá phòng khoảng trên dưới 2 triệu/ phòng đôi.
Kinh nghiệm du lịch Hải Phòng

Khách sạn 3 sao khoảng trên dưới 1,5 triệu/ phòng đôi như: Classic Hoang Long Hotel (25 Trần Quang Khải). Thỉnh thoảng có giá khuyến mại thì các bạn sẽ thuê được với giá dưới 1 triệu/ phòng. Hay khách sạn Lạc Long (83 Bạch Đằng), hơi xa một chút so với các khách sạn kể trên nhưng giá khá dễ chịu (trên dưới 1 triệu/ phòng) và được khách đã từng ở đây đánh giá cao về thái độ phục vụ của nhân viên cũng như chất lượng các dịch vụ mà khách sạn cung cấp.
Giá phòng bình dân hơn rơi vào khoảng 200-400k/ phòng thì các bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Để chuyến đi của mình có kế hoạch thì các bạn có thể xem đánh giá trên các trang đặt phòng online, ví dụ như Agoda.com và chọn cái nào các bạn cảm thấy ưng ý nhất. Còn nếu các bạn có ít hành lý, gọn nhẹ thì cũng có thể đến Hải Phòng đi một vòng các con phố ở Trung tâm và chọn cái nào các bạn thấy thích. Các bạn cũng có thể tham khảo một vài khách sạn được khách du lịch đánh giá cao như: khách sạn Hoàng Hải (109 Cầu Đất), Phú Vinh (27 Hai Bà Trưng), Monaco (103 Điện Biên Phủ)…
Thực tế thì du lịch Hải Phòng đã phát triển từ rất sớm nên hệ thống các Khách sạn, Nhà nghỉ cũng đã hoạt động từ lâu đời mà không sử dụng các hình thức marketing trên internet nên Hải Phòng có nhiều khách sạn, nhà nghỉ hơn rất nhiều so với số lượng mà các bạn tìm thấy trên các trang web đặt phòng. Nên đừng lo lắng khi các bạn không book được phòng trên mạng, các bạn có thể tìm thấy rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở các khu dân cư, những con phố nhỏ, thậm chí là trong một số ngõ ở đây.

Một số reviews khách sạn của các bạn đã đến Hải Phòng

Ở Hài Phòng khách sạn 2-3 sao là phổ biến nhất, nếu muốn ở khu trung tâm thì dọc đường Điện Biên Phủ có nhiều khách sạn. Mình thấy cái KS Kim Thành, KS Hải Quân (khu mới) đều được, phòng rộng, sạch sẽ, có thể đi bộ ăn uống hoặc cafe, giá dao động từ 200-250k.
Khách sạn Duyên Hải số 6 Nguyễn Tri Phương,Giá 1 phòng 2 giường là 350k,khuyến mại 5%,ở 2 ngày KM 10%.Phòng khá đẹp,Khách sạn rộng,có Wifi và chỗ để xe Oto miễn phí,gần khu trung tâm,khu ăn uống.
Khách sạn Thiện Anh số 3/30 Trần Phú gần KS Cát Bi. Giá ở đó 300.000/đêm bao gồm ăn sáng tự chọn. Ở đây ngay trung tâm thành phố rất yên tĩnh và sạch sẽ. Bạn phải gọi điện đặt trước k tớ sợ hết phòng đó: 031.3757015.
Tham khảo ks Cát Dài ở 292 cát dài, giá phòng là 220N, ở đó đi lại cũng thuận tiện và tối đi ăn thì nhiều vô cùng. Còn quán ăn thì có thể quán Hồng Kông số 8 hồ sen, nhà hàng tre việt 38 nguyễn văn linh và nhiều quán khác nữ. HP đặc biệt có bánh mỳ cay nhé
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm một số khách sạn khác ở Hải Phòng tại đây

Ẩm thực Hải Phòng

Có thể nói Hải Phòng được coi là thiên đường quà vặt đối với những vị khách có sở thích thưởng thức ẩm thực của các vùng miền khi đặt chân đến đó. Các món ăn ngon thường có hương vị của biển. Ví dụ như bánh đa cua, bún tôm, bún cá hay nem cua bể…
Bánh đa cua được chia làm 2 loại: bánh đa cua đồng và bánh đa cua bể. Bánh đa cua đồng các bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều hàng ăn sáng bán trên vỉa hè, đầu ngõ, trong chợ, sân khu tập thể… mà đặc điểm là hàng nào cũng ngon. Chỉ với giá 15k, các bạn đã có thể thưởng thức một bát bánh đa cua đồng với màu sắc bắt mắt của bánh đa đỏ, cà chua, chả lá lốt, hành lá…
Kinh nghiệm du lịch Hải Phòng
Du lịch Hải Phòng
Nếu các bạn đi tàu hỏa đến Hải Phòng, các bạn đi thẳng ra cửa ga, theo đường Phạm Ngũ Lão, ở đầu ngõ số 2 có hàng Bánh đa cua cô Yến được nhiều người ăn đều khen ngon, giá đắt hơn một chút so với giá thông thường, 25k/ bát.
Hoặc các bạn có thể ăn hàng bánh đa cô Ngân ở ngã ba Hải Vân, từ gầm cầu Quay đi xuống đường Lán Bè thì hàng nằm ngay ngã ba, đầu ngõ bên tay trái đường. Ngoài bánh đa cua đồng, các bạn có thể gọi bánh đa tôm hoặc bún ngan cũng đều rất ngon. Quán bán cả sáng và chiều tối.
Bánh đa cua bể thì đặc biệt hơn, nước dùng thanh thanh và có thịt cua bể xào thơm ăn cùng. Các bạn có thể tới quán Bánh đa bà Cụ 179 Cầu Đất để thưởng thức với giá 35k/ bát. Quán này rất nổi tiếng và phục vụ cả ngày. Ngoài bánh đa cua bể quán còn phục vụ món nem cua bể, loại nem vuông đặc trưng Hải Phòng, ăn kèm với bún, giấm và rau sống. Nhưng cá nhân mình thì thích ăn ở quán đầu đường Lê Chân, đoạn cắt với đường Cầu Đất, chỗ có một loạt các hàng ăn bán từ khoảng 4h chiều đến tận đêm muộn. Đây cũng là khu vực ăn đêm với rất nhiều sự lựa chọn ở Hải Phòng, các bạn có thể ăn ốc, bánh đa cua, miến xào, cháo, xôi, gà tần…, từ các món ăn chơi cho đến các món ăn no…
Ăn sáng ngoài bánh đa cua, các bạn cũng có thể đổi món sang bún tôm hoặc bún cá. Quán nổi tiếng nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây là quán cô Liên, ở đầu ngõ 170 Nguyễn Đức Cảnh. Bún cá Hải Phòng có nhiều kiểu nấu khác nhau, có hàng là bún cá dọc mùng, hoặc có hàng là bún cá rô phi rau cải nhưng món nào cũng có đặc trưng riêng. Bún tôm thì tôm phải được xào thơm với mộc nhĩ, rau ăn kèm là rau cần mới đúng vị.
Nhưng ngay như mình đã nói lúc đầu, ở bất kỳ hàng ăn sáng nào các bạn cũng có thể thưởng thức những món này vừa ngon vừa rẻ hơn so với các hàng nổi tiếng, hi hi. Ví dụ như bên khu vực Kiến An hoặc đầu ngõ Cấm cũng là bún cá nhưng chỉ có 20k/ bát mà mình thấy vẫn rất ngon.
Nếu các bạn muốn thử các món ăn vặt theo đúng chất Hải Phòng, các bạn có thể ghé các khu như chợ Cố Đạo (ngay gần Nhà Hát Lớn), chợ Lương Văn Can (nằm trên đường Lê Lợi), chợ Cát Bi (đường Ngô Gia Tự rẽ vào), ngõ Cấm (đường Hai Bà Trưng). Ở đây các bạn sẽ tìm thấy vô vàn các món ăn mà không đâu có thể đa dạng và phong phú bằng.
Chè từ các loại đỗ, chỉ 7k/ cốc hoặc bát tùy vào thời điểm mùa đông hay mùa hè (ngõ Cấm)
Chả rươi, 20k/chiếc (chợ Cố Đạo), nếu các bạn đến Hải Phòng đúng mùa nước
Kinh nghiệm du lịch Hải Phòng

Bánh bèo, 5k/chiếc (chợ Lương Văn Can), rất khác biệt so với bánh bèo Huế
Bánh mỳ que, 2k/chiếc, thạch găng, 5k/cốc vào mùa hè hoặc sủi dìn, 8k/bát vào mùa đông. Rất nhiều các món ăn với giá chỉ dưới 10k/món đang chờ để bạn khám phá.
Và nhắc tới Hải Phòng, chắc hẳn ai cũng đang nghĩ tới những món ốc, ốc hấp xả, ốc xào dừa, ốc xào me… với vô vàn các thể loại ốc, các cách chế biến khác nhau. Những khu vực kể trên đều là nơi mà các bạn có thể dễ dàng thưởng thức các món ốc này. Còn nếu không muốn vào chợ, các bạn có thể qua đường Lê Lợi, khu mặt đường, gần chợ Lương Văn Can, rất nhiều các hàng ốc đều sạch sẽ, ngon lành, giá cả phải chăng. Hàng ốc đầu đường Đình Đông, gần đoạn cắt với đường Tô Hiệu thì nổi tiếng hơn, đông hơn, đã từng được lên kênh VTV3 thì phải. Ốc được bày trong những cái chậu to hoặc nhỏ thành cả một khu vực để khách có thể xem và chọn tùy thích. Cũng có nhiều loại tên đặc biệt như ốc đỏ môi, khách thường không biết nên chủ hàng bày ra để có thể chỉ cho khách thấy các loại khác nhau như thế nào. Một nhóm các bạn đi ăn ốc ở Hải Phòng chắc cũng chỉ mất chưa đến 50k/người.
Đặc biệt, vào mùa đông các bạn còn có thể thưởng thức món giá bể xào. Giá biển (giá bể) là một loài nhuyễn thể, có 2 vỏ màu xanh, to bằng ngón tay nhưng ẩn chứa bên trong là một lớp thịt (giống như con hến) thơm ngọt, cùng với cọng chân trông giống như giá đỗ.Ăn giá bể xào chua ngọt hơi mệt vì phải nhằn từng con một nhưng thật đã bởi sự “no tròn” về vị giác do người nấu khéo tay nêm nếm, nhưng nếu bạn vẫn chưa đã mà đã lười “nhằn” thì gọi ngay một đĩa nộm giá bể.
Không chỉ có ăn vặt, Hải Phòng cũng có rất nhiều nhà hàng để các bạn có thể thưởng thức ẩm thực của thành phố Cảng.
Bún chả quạt, nem cua bể, chả mực giã tay Phương Mai, 87 Cát Cụt (gần hồ Tam Bạc). Nhà hàng sạch sẽ, phục vụ nhiệt tình và là địa chỉ được du khách biết đến nhiều nhất khi nói đến món này.
Đặc sản các món ăn từ Sam, đường Chu Văn An (phía sau sân vận động Lạch Tray). Sam là loài giáp xác, tính lạnh nên khi chế biến phải rất cẩn thận. Sam thường được giết mổ theo đôi, khi cắt tiết sam phải làm sao cắt thành tia mới không làm mất độ chát của thịt. Toàn bộ chân, vây, mai được vứt bỏ. Riêng phần gan, ruột sam được lọc bỏ, không để dính vào phần thịt. Người làm thịt sam chỉ sơ ý một chút là có thể gây hậu quả cho người sử dụng các món ăn từ sam như dị ứng hoặc đau bụng. Sau khi sam được giết mổ lấy thịt, các nhà hàng ở đây có thể chế biến được tới 14 món khác nhau.
Hoặc nếu muốn thưởng thức một thực đơn với các món hải sản khác nhau ngay trung tâm thành phố với giá tiền hợp lý chứ không phải với giá thành đắt đỏ thì các bạn nên tới đường Minh Khai. Ngoài các loại thông thường như tôm, mực, cua… các bạn nên thử canh cá khoai hoặc lẩu cá khoai, món này không phải ở đâu cũng có cơ hội thưởng thức.
Nếu các bạn thích các loại lẩu, đặc biệt là lẩu cua hoặc lẩu bề bề, các bạn có thể đến Lẩu cua đồng 188 Văn Cao hoặc Quán ăn gia đình 2/264 Trần Nguyên Hãn để thưởng thức lẩu bề bề.
Khu vực đường mới Lê Hồng Phong cũng tập trung nhiều nhà hàng ngon, giá cả hợp lý mà địa điểm thì rộng rãi thoáng mát.

Danh sách các món ăn ngon ở Hải Phòng

Gợi ý lịch trình du lịch Hải Phòng 2 ngày

Ngày 1:
6:00 – Đi tàu Hà Nội – Hải Phòng từ ga Trần Quý Cáp.
8:30 – Xuống ga Hải Phòng, ăn bánh đa cua cô Yến ở ngõ 2 Phạm Ngũ Lão
9:30 – Đi dạo một vòng khu vực Trung tâm: Nhà Hát Lớn – Vườn hoa Nguyễn Du – tượng đài Lê Chân – Đền Nghè
12:00 – Ắn trưa bằng món nem cua bể ở quán Phương Mai – Cát Cụt
16:00 – Thuê xe đi đồi Thiên Văn hóng gió và ngắm cảnh.
18:00 – Lượn về cầu Bính ngắm hoàng hôn.
(Buổi chiều nếu vẫn muốn chơi trong khu vực trung tâm Thành phố các bạn có thể dạo một vòng quanh hồ Tam Bạc, cà phê ngắm phố, chụp ảnh hoàng hôn ở Bến Bính)
19:30 – Ăn tối ở quán ăn hải sản trên phố Minh Khai hoặc đặc sản Sam trên phố Chu Văn An.
Ngày 2:
8:00 – Đi chợ Hàng chơi. Nếu các bạn thích hoa thì có thể tới một trong những khu vực trồng hoa mình kể trên. Nhưng đi tới các khu vực trồng hoa thì nên thuê xe tự đi. Còn đi chợ Hàng thì có thể đi taxi.
12:00 – Thưởng thức lẩu cua Văn Cao
15:30 – Đi dạo vòng quanh phố Tây, có thể rẽ vào bảo tàng Thành phố, Nhà thờ Lớn, chụp ảnh những công trình kiến trúc mang dấu ấn Pháp cổ của thành phố Hải Phòng. Kết thúc chuyến đi dạo bằng việc mua quà hải sản khô ở chợ Đổ.
18:40 – Lên tàu Hải Phòng – Hà Nội. Nếu muốn thoải mái thời gian hơn, các bạn đi ô tô về Hà Nội từ bến xe Tam Bạc. (Từ chợ có thể đi bộ ra bến xe)

Tìm chúng tôi trên facebook

SITE-MAP

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget

Live chat

Facebook chat
LÊN ĐẦU TRANG
Share Emphasis